Chính sách tiền lương phù hợp, một trong những biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ngày 11/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 168-NQ/CP về chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) đến năm 2030
Theo đó, để thực hiện nhóm nhiệm vụ về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, Chính phủ đã đưa nội dung về cải cách tiền lương như sau: “Đổi mới chính sách tiền lương với công chức, viên chức, chế độ công vụ, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập hợp lý, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác; tăng cường kiểm soát việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước”.
Vấn đề tiền lương là một yếu tố rất quan trọng trong các biện pháp PCTN,TC và còn được cho là mấu chốt để PCTN,TC ngay từ đầu. Khi kinh tế được đảm bảo, cán bộ, công chức được hưởng mức lương phù hợp, đảm bảo cuộc sống (có thể có thêm phụ cấp tương xứng với kết quả công việc) thì họ sẽ yên tâm công tác, giảm thiểu tình trạng kiếm thêm thu nhập từ các công việc ngoài lề, sao nhãng công việc chuyên môn và quan trọng là không hình thành tư tưởng tham nhũng, tiêu cực để tư lợi cá nhân (thoả mãn yếu tố “không cần” tham nhũng trong PCTN,TC)
Qua tìm hiểu về chính sách tiền lương chi trả cho công chức ở Nhật Bản cho thấy, trong Luật công chức nhà nước của Nhật Bản có quy định: “Công chức có nghĩa vụ tận tuỵ với công việc” (Khoản 1 Điều 96); “Cấm trở thành thành viên của một công ty hoặc tự điều hành công việc kinh doanh riêng nhằm thu lợi” (Điều 103). Đi cùng với quy định đó là việc công chức tại Nhật Bản được chi trả tiền lương rất cao, đảm bảo trang trải cuộc sống để yên tâm công tác, hạn chế tư tưởng muốn tham nhũng.
Trong những năm vừa qua, tuy có các cuộc cải cách chế độ tiền lương hoặc những lần tăng lương cho công chức nhưng thực tế vẫn không bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình (vì tiền lương quá thấp so với chi phí sinh hoạt phải trả). Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã khẳng định nội dung này trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương: “Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp,…; còn mang nặng tính bình quân, không đảm bảo được cuộc sống…”
Hiện nay, ở nước ta đang áp dụng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức là 1.800.000đ/ tháng. Đây là mức chi trả rất thấp, chưa thể đảm bảo việc chi tiêu, sinh hoạt cho bản thân cán bộ, công chức, viên chức và gia đình. So sánh mức lương của một công chức (tốt nghiệp đại học, hưởng lương hệ số 2,34, bậc 1 = 4.188.600đ) và mức lương của một người lao động (làm việc trong khu công nghiệp không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, lương dao động từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng), thấy rõ sự chênh lệch về trình độ và mức lương được hưởng của hai nhóm đối tượng này, từ đó thấy rằng việc chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là rất thấp, chưa đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình.
Chúng ta đều biết, việc tăng lương cho khu vực công phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước. Nếu vẫn duy trì chế độ lương, thưởng của cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay, không đảm bảo được cuộc sống của họ thì công cuộc PCTN,TC sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Việc tăng lương phải đi đôi với việc xiết chặt kỷ cương trong khu vực công. Như cách làm của chính quyền thành phố Đà Nẵng: Chi thêm cho các cán bộ cảnh sát giao thông 5 triệu/tháng/người nhưng yêu cầu họ phải liêm khiết; đồng thời xử lý rất mạnh đối với những trường hợp nhận hối lộ, nhũng nhiễu.
Một trong những cách thức phòng ngừa tham nhũng của Singapore có hiệu quả đó là: Sau khi tăng lương ở mức rất cao cho công chức; hàng tháng, Nhà nước sẽ trích một phần tiền lương của công chức gửi vào quỹ tiết kiệm (do Ngân hàng Nhà nước quản lý, có lãi suất). Khi nghỉ hưu, số tiền tiết kiệm đó sẽ thuộc quyền sở hữu của công chức; tuy nhiên nếu công chức phạm các tội tham nhũng thì sẽ bị tịch thu toàn bộ số tiền đó. Nhờ cách làm này mà công chức tại Singapore hầu như không có tư tưởng phải tham nhũng vì cuộc sống đang ổn định, hơn nữa lại có nguồn tiền dự trữ, đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung chỉ đạo chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương (đã bị lùi thời gian thực hiện do dịch covid-19) theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 với 06 nội dung cải cách (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024): Xây dựng 5 bảng lương mới; Chế độ phụ cấp; Chế độ tiền thưởng; Chế độ nâng bậc lương; Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; Quản lý tiền lương và thu nhập.
Theo mục tiêu cải cách nêu trong Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018: Tại thời điểm thực hiện cải cách tiền lương thì tiền lương thấp nhất công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp và đến cuối lộ trình thì tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp
Cũng theo mục tiêu cải cách tiền lương thì mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn cào bằng giữa mọi ngành như hiện nay. Trả lương theo vị trí việc làm đồng nghĩa với việc người mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.
Hy vọng rằng sắp tới, với chính sách tiền lương mới, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được tăng lên đáng kể, điều kiện cuộc sống của họ và gia đình được cải thiện rõ rệt sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để PCTN,TC; góp phần xây dựng một Nhà nước trong sạch, vững mạnh./.